Đọc những trang Nhật ký nóng bỏng hơi thở cuộc sống
chiến trường của hai con người đã được xem là đại diện cho thế hệ trẻ trong
những năm tháng khốc liệt của thời chiến cách đây gần 40 năm, bản thân tôi và
nhiều đồng đội đã có những đêm thao thức.Các anh, các chị cũng chỉ là những
người thanh niên bình thường, giản dị như chúng tôi bây giờ nhưng cả hai người đã thực sự là hai anh hùng
bởi họ đã biết sống thế nào là một cuộc sống có lý tưởng và tràn đầy niềm tin.Không
vị kỷ, không tính toán so đo thiệt hơn cho tương lai cá nhân , xác định một
cách rõ ràng mục tiêu của đời mình là cống hiến và sẵn sàng hy sinh cho Tổ
Quốc, các anh, chị đã xây dựng được một động lực tinh thần để vững vàng bước
vào cuộc chiến đấu mà ở đó nhiều khi sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong
tấc gang.Trong lá thư viết về cho mẹ từ chiến trường, Đặng Thùy Trâm đã nói về
sự hy sinh thật bình dị " Cuộc sống vô cùng anh dũng, vô cùng gian nan,
chết chóc hy sinh còn dễ dàng hơn ăn một bữa cơm.Vậy mà người ta vẫn bền gan
chiến đấu.Con cũng là một trong muôn ngàn người đó, con sống, chiến đấu và nghĩ
rằng mình sẽ ngã xuống vì ngày mai của dân tộc.Ngày mai trong tiếng ca khải
hoàn sẽ không có con đâu....nhưng có gì đâu, hàng triệu người như con đã ngã
xuống mà chưa hề được hưởng trọn lấy một ngày hạnh phúc.Cho nên có ân hận gì
đâu .".Còn Nguyễn Văn Thạc, chàng sinh viên đại học chỉ vừa tròn 19 tuổi
khi từ biệt giảng đường khoác lên vai chiếc ba lô lên đường đi đánh giặc đã
hiểu rõ ràng một điều giản dị nhưng thật cao quý, thiêng liêng của cả một thế
hệ : " Bây giờ chính là lúc mình đóng góp mà, tuổi thanh niên là cống
hiến, Thạc đừng vội nghĩ đến những đòi hỏi, hưởng thụ.Hãy cao hơn những tính
toán cá nhân".Là người đồng chí, đồng đội, là thế hệ kế tiếp cầm súng bảo
vệ Tổ Quốc, tuy không phải trực tiếp đối mặt với kẻ thù , với khó khăn, gian
khổ, hy sinh của thời chiến, song trên trận tuyến mới của người lính cũng đầy
cam go, thử thách, và vì thế những suy nghĩ và hành động của chị Trâm, anh Thạc
vẫn luôn rất gần gũi trong cuộc sống của người chiến sĩ chúng tôi trên trận
tuyến bảo vệ Tổ Quốc hôm nay.
Những đêm thao thức đọc đi đọc lại hai quyển Nhật ký
" Mãi mãi tuổi 20 " và " Nhật ký Đặng Thùy Trâm ", tôi chợt
so sánh, nhìn nhận lại bản thân mình và cả một thế hệ thanh niên đang sống cùng
thời với mình.Sống trong môi trường Quân đội, đã trải qua gần 20 năm quân ngũ
trong nhà trường và thực tế ở đơn vị, tôi cảm nhận rằng thực sự mình và không
ít đồng đội hình như vẫn còn sống cho bản thân nhiều hơn là những gì cống hiến
cho tập thể, cho đất nước, nhân dân, vẫn còn đặt " cái tôi ' của mình lên
cao hơn “ cái chúng ta” .
Hai quyển Nhật ký thời chiến đến với chúng tôi hôm nay
thực sự như đang đốt lên một ngọn lửa, làm nên một cơn sốt trong tâm hồn những
người trẻ tuổi đang được sống trong sự bình yên. Càng cảm phục, tự hào về tấm
gương của hai liệt sĩ, tôi càng trăn trở bấy nhiêu trong công tác giáo dục, vận
động, tập hợp thanh niên trong giai đoạn hiện nay.Từ đặc thù hoạt động quân sự với yêu
cầu đòi hỏi ngày càng cao của nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và xây
dựng LLVT vững mạnh,chúng tôi luôn nhận thức vấn đề xây dựng, giáo dục tư tưởng
trong thanh niên quân đội là nhiệm vụ quan trọng thiết yếu.Môi trường quân đội
là môi trường luôn phải khép mình vào kỷ luật nghiêm minh, xác định tốt mục
tiêu, lý tưởng cống hiến và phục vụ đất nước.Trong khi đó cuộc sống và nhiệm vụ
huấn luyện vẫn còn không ít vất vả, khó khăn và thiếu thốn.Cơ chế thị trường
với guồng quay chóng mặt của nó vẫn tác động không nhỏ đến tâm lý của tuổi
trẻ.Không xác định được lý tưởng, mỗi cán bộ, chiến sĩ trẻ chưa được trải qua
thử thách, gian khổ sẽ dễ dàng mất ý chí, sa ngã, vi phạm kỷ luật về đạo đức,
tác phong....Chính vì thế, việc phát động phong trào đọc, trao đổi và tọa đàm
về hai quyển Nhật ký trong tuổi trẻ quân đội trong thời gian vừa qua là đợt
sinh hoạt chính trị sôi nổi để chúng tôi góp phần khơi dậy ngọn lửa về lẽ sống,
lý tưởng và ý thức tự nguyện cống hiến, hy sinh .Làm sao để qua hai tấm gương
của hai liệt sĩ anh hùng, mỗi bạn trẻ sẽ tự chiêm nghiệm, suy nghĩ, nhận thức
được ý nghĩa cao cả của lẽ sống vì mọi người, khích lệ lòng nhiệt huyết, tinh
thần say mê hăng hái của đoàn viên thanh niên trong mọi phong trào thi đua học
tập, huấn luyện, duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, xung
kích trên mọi mặt trận dân vận- vận động quần chúng giúp đỡ nhân dân và các
phong trào xã hội, có bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn sàng có mặt nơi đầu
sóng ngọn gió, những nơi khó khăn, nguy hiểm nhất để bảo vệ từng tấc đất thiêng
liêng của Tổ Quốc, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do dân tộc, vì hạnh
phúc của nhân dân, làm tròn nhiệm vụ vinh quang mà Tổ Quốc, nhân dân đã đặt lên
vai người chiến sĩ, để sự hy sinh của hàng triệu triệu con người như anh Thạc,
chị Trâm mãi mãi có ý nghĩa như người bác sĩ- liệt sĩ Thùy Trâm đã nói "
Biết bao nhiêu cuộc đời đã chấm dứt để cho cuộc đời khác được tươi xanh
.".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét